Tin tức Gạo Hoa lúa
NÂNG TẦM CHO GẠO VIỆT
Vụ đông xuân 2014 - 2015, Thủ tướng Chính phủ quyết định thu mua 1 triệu tấn gạo tạm trữ, trong đó An Giang và Cần Thơ là 2 địa phương đứng đầu danh sách thu mua lúa gạo tạm trữ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (An Giang chỉ tiêu 250.000 tấn, Cần Thơ 175.000 tấn). Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã góp phần nâng giá thu mua lúa tươi tại ruộng, nông dân rất phấn khởi.
Làm giàu từ lúa
 
Huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) hiện có trên 70 mô hình sản xuất hiệu quả, giúp nông dân tăng thu nhập bình quân năm 2014 đạt 127 triệu đồng/ha. Vụ đông xuân 2014 -2015, toàn huyện Cờ Đỏ xuống giống trên 25.300ha. Nơi đây được xem là vùng nguyên liệu chính có sản lượng lúa cao nhất ở Cần Thơ.
 
 

 
Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu.
 
Chúng tôi đến kênh 2, xã Thới Xuân, nơi mà trên bờ, dưới ruộng, dưới sông, nhà máy sấy lúa…, chỗ nào cũng hoạt động nhộn nhịp. Có được không khí này là nhờ nông dân quyết tâm bám đất trồng lúa. Tiêu biểu là gia đình anh Ba Dũng có truyền thống làm ruộng mấy đời, giàu lên nhờ cây lúa. Cũng chính cây lúa đã giúp Ba Dũng tậu thêm đất ruộng, 3 dàn máy sấy lúa thuê, xây kho chứa lúa giúp nông dân trong vùng có nhu cầu thuê tạm. Thấy gia đình anh có truyền thống làm lúa giỏi, Công ty Thương mại Tân Thành đã mời anh tham gia chương trình trồng lúa sạch theo tiêu chuẩn Global GAP. Sau 1 năm hợp tác hiệu quả, anh phấn khởi tài trợ xây 2 cây cầu cho bà trong xã Thới Xuân đi lại dễ dàng.
 
Ba Dũng tâm sự: "Gia đình tôi sống bằng nghề trồng lúa từ nhiều đời, có cái ăn, dư chút ít là tôi tậu thêm ruộng. Khi lúa thu hoạch nhiều, không có chỗ phơi, tôi lại tích lũy mua máy sấy…Cứ thế làm tới rồi khấm khá. Nhưng, làm ruộng như thế là làm tự do. Từ ngày  tham gia chương trình làm lúa sạch với Công ty TNHH Thương mại Tân Thành, tôi thấy hiệu quả hơn, lãi  cao hơn, môi trường trồng lúa sạch hơn, thời gian thu mua và thanh toán nhanh hơn thương lái…Đó là điều mà nông dân chúng tôi trông đợi trong mỗi liên kết, hợp tác với doanh nghiệp".
 
Mặt trời lên, hạt sương trên ngọn lúa khô dần, chúng tôi tiếp tục theo thợ lái máy gặt ra đồng. Chỉ trong thời gian ngắn, chiếc máy đã đi được một vòng 3,5ha ruộng của anh Nguyễn Văn Nhiều. Nhìn những hàng lúa trên cánh đồng hợp tác sản xuất theo chuẩn Global GAP của anh Nhiều vơi dần, cũng chính là lúc xe gom lúa bao đưa vào bờ để nhân viên của Công ty TNHH Thương mại Tân Thành đến thu mua, chúng tôi liên tưởng đến hình ảnh của người nông dân ngày  xưa. Thời đó, bà con vất vả hơn nhiều, khi hạt lúa làm ra không có sự hỗ trợ của máy móc và doanh nghiệp. Bây giờ làm ruộng có phần nhẹ nhàng và thú vị hơn xưa. Anh Nhiều cho biết: "Trước kia, tôi thường dùng chế phẩm sinh học của Công ty Tân Thành, sau đó mới hợp tác làm ruộng theo sự hướng dẫn của công ty. Bình quân một công tầm lớn (1.300 m2), tôi thu được 1,2 tấn lúa tươi. Hiện tại, Công ty TNHH Thương mại Tân Thành thu mua lúa tươi tại ruộng với giá 7.000 đồng/kg, thương lái mua lúa thường giá 4.200 - 5.000 đồng/kg. Liên kết trồng lúa sạch với Công ty TNHH Thương mại Tân Thành tôi thấy hiệu quả kinh tế nâng lên đáng kể. Sau vụ này tôi chờ cán bộ kỹ thuật của công ty hướng dẫn tiếp mới có thể xuống giống cho vụ hè thu".
 
Mở lối cho gạo Việt
 
Vốn là doanh nghiệp đi đầu trong việc đưa công nghệ sinh học áp dụng trên đồng ruộng, với các chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường và con người, nhìn thấy được nỗi vất vả của nông dân khi hạt gạo do họ làm ra không có chỗ đứng trên thị trường, Công ty TNHH Thương mại Tân Thành quyết định đầu tư xây dựng nhiều tổ nông dân ở huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ), huyện Tri Tôn (An Giang). Các tổ này trồng lúa theo quy trình nghiêm ngặt của tiêu chuẩn Global GAP, quy tụ được mọi người trồng lúa sạch nhưng sản phẩm làm ra ai sẽ giúp họ tiêu thụ? Thế là Công ty gạo Hoa Lúa ra đời, tiếp sức với Công ty TNHH Thương mại Tân Thành làm cầu nối tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân khẳng định thương hiệu do chính họ làm ra.
 
Ở huyện Cờ Đỏ, ngoài Công ty TNHH Thương mại Tân Thành còn có Công ty TNHH nông sản VINACAM Cờ Đỏ cũng đầu tư vào cây lúa để tạo ra thương hiệu cho gạo Việt Nam. Nhưng hai đơn vị này có hướng đi khác nhau. Công ty TNHH nông sản VINACAM Cờ Đỏ chọn con đường xuất khẩu lúa gạo thì Công ty Tân Thành bắt đầu chập chững tìm lối đi mới cho thương hiệu "gạo Hoa Lúa" tại thị trường nội địa. Cách làm của Công ty Tân Thành đã giúp giải quyết được lực lượng lao động tại chỗ một cách hiệu quả, giúp bà con có cuộc sống ổn định, không bỏ hoang ruộng lúa.
 
Sau mấy vụ lúa sản xuất theo quy trình Global GAP của Công ty TNHH Thương mại Tân Thành, cậu con trai út của anh Ba Dũng bắt đầu "mê lúa", lao vào trồng giống lúa Nhật thí điểm. Nguyễn Văn Đời cho biết: "Tôi trồng lúa theo  quy trình Global GAP, giống VD 20, năng suất đạt 1,4 tấn/công. Bên cạnh đó, tôi trồng thí điểm 3,5ha giống lúa Nhật, thời gian sinh trưởng 120 ngày, trồng 2 vụ/năm, mỗi vụ phun thuốc trừ sâu hoặc thuốc dưỡng 2 lần, năng suất bình quân đạt 1,7 tấn/công, giá thu mua 6.500 đồng/kg nên lợi nhuận đạt khá".
 
Trong tương lai, thương hiệu gạo Hoa Lúa có được chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng nội địa thì những cánh đồng ở Cờ Đỏ và Tri Tôn sẽ xanh thẳm màu của lúa. Cuối năm 2014, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có kết luận về việc xây dựng đề án phát triển thương hiệu gạo của Việt Nam là rất cần thiết, ở cả 3 cấp độ: quốc gia, vùng và địa phương, doanh nghiệp và sản phẩm. Khi đề án này đi vào hiện thực, mong rằng cách chọn thị trường nội địa để kinh doanh thương hiệu gạo Việt của Công ty Hoa Lúa sẽ thành công.
 
Bà Nguyễn Thị Thiện, Phó giám đốc Công ty TNHH Thương mại Tân Thành, tâm sự: "Biết là sẽ lỗ ở thời điểm ban đầu nhưng chúng tôi không đứng ra làm thì người nông dân không gánh vác được. Chẳng lẽ mình sống ở rốn lúa mà đi mua gạo Thái ăn hoài. Chúng tôi mong người tiêu dùng hãy ủng hộ gạo Việt, trong đó có thương hiệu gạo Hoa Lúa mà chúng tôi xây dựng ở thị trường nội địa".

 
Thanh Tú - Nguyễn Hoa
Theo: kinhtenongthon.com
Copyright 2016 by TANTHANHCO® . All rights reserved. Designed by nicedesign
Visited: 22588564 | Online: 27