Bản tin Nông nghiệp
Phát triển bền vững ngành càphê Việt Nam: Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Việt Nam là nước xuất khẩu càphê đứng thứ 2 thế giới và đứng thứ nhất về xuất khẩu càphê Robusta, nhưng chất lượng chưa cao và chưa chiếm lĩnh được thị trường càphê thế giới.
Càphê Việt có mặt ở hơn 60 nước
 
Phát triển bền vững ngành càphê Việt Nam: Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
 
 
Việt Nam là nước xuất khẩu càphê đứng thứ 2 thế giới và đứng thứ nhất về xuất khẩu càphê Robusta, nhưng chất lượng chưa cao và chưa chiếm lĩnh được thị trường càphê thế giới.
Càphê Việt có mặt ở hơn 60 nước
 
  

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát,cả nước hiện có trên 640.000ha càphê, tập trung ở vùng Tây Nguyên. Với sản lượng trên 1,6 triệu tấn càphê nhân/năm, Việt Nam đang là nước xuất khẩu càphê đứng thứ hai thế giới, và là quốc gia dẫn đầu về sản xuất càphê Robusta, chiếm gần 1/5 tổng sản lượng càphê toàn cầu. Càphê nước ta đã xuất khẩu đến hơn 60 nước và vùng lãnh thổ  với kim ngạch đạt 3,4 tỷ USD. Hàng năm, ngành càphê không những đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước (chiếm khoảng 2% GDP) mà còn là nguồn thu chủ yếu của 540.000 hộ gia đình nông dân trồng càphê, với trên 1,6 triệu lao động; góp phần quan trọng vào việc ổn định chính trị, xã hội, nhất là các tỉnh Tây Nguyên.
Bên cạnh thành tựu đạt được, hiện ngành càphê Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, sản xuất càphê vùng Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung vẫn đang còn bộc lộ không ít tồn tại, hạn chế như: Công tác quản lý chất lượng càphê còn hạn chế. Chưa hình thành các tổ chức liên kết trong sản xuất càphê, thiếu sự điều phối giữa các tác nhân trong ngành. Diện tích càphê già cỗi cần cải tạo chiếm tỷ lệ khá lớn. Càphê phát triển khá nhanh, một số diện tích chưa theo quy hoạch, cơ cấu giống chưa hợp lý và chất lượng thấp, chi phí vật tư đầu vào, công lao động và tưới nước lớn, giá thành càphê còn cao. Thu hái lẫn quả xanh và chế biến càphê còn bất cập, chưa phân loại càphê trước khi xuất khẩu, vì vậy chất lượng chưa cao. Khả năng cạnh tranh của cà phê Việt Nam còn thấp, mặc dù có sản lượng lớn nhưng không chủ động được thị trường…
Ông Trần Đức Thanh, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế (Ban chỉ đạo Tây Nguyên) cũng cho hay: Hiện nay, càphê Tây Nguyên đang đứng trước những thách thức lớn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Sự tăng nhanh không theo quy hoạch về diện tích dẫn đến rừng bị tàn phá, đất đai thoái hoá; năng suất, sản lượng tăng nhưng chất lượng sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh trên thị trường thế giới thấp, hiệu quả kinh doanh mang lại còn ở mức thấp. Mặc dù có sản lượng càphê Robusta đứng đầu thế giới nhưng Việt Nam vẫn chưa chủ động được thị trường tiêu thụ. Mặt khác, môi trường sinh thái trong vùng trồng và chế biến càphê ngày càng bị ô nhiễm và mất tính ổn định, bền vững. Bên cạnh đó, diện tích càphê già cỗi năng suất thấp tăng nhanh, song việc tái canh đang gặp khó khăn, là vấn đề nan giải của các tỉnh Tây Nguyên nói chung và của ngành càphê nói riêng; việc giải quyết tái canh càphê đang là vấn đề cấp bách và rất cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan để cùng nhau thúc đẩy ngành càphê phát triển theo hướng sản xuất và kinh doanh bền vững.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Theo ông Thanh, trong thời gian tới, Tây Nguyên nói riêng, cả nước nói chung cần phải phát triển càphê theo hướng bền vững, có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất - chế biến - kinh doanh, giữa các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp; sản xuất càphê theo đúng quy hoạch, tạo ra sản phẩm hàng hoá với năng suất, chất lượng cao, tăng kim ngạch xuất khẩu, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân; đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái.
 
    
    
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện triệt để các chính sách về hỗ trợ ngành càphê đã được đề ra, đặc biệt về giải quyết nợ xấu cho các doanh nghiệp kinh doanh càphê, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới. Chính phủ cũng cần có chính sách cụ thể hỗ trợ tái canh cây càphê như ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho các nội dung: quy hoạch, kế hoạch; xây dựng vườn giống; cây giống; hoàn thiện quy trình kỹ thuật; đào tạo cán bộ quản lý… Kế đến là chính sách tín dụng, cần có cơ chế về lãi suất ưu đãi thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn đối với cho vay nông nghiệp, nông thôn từ 1-2%/năm. Cần có cơ chế đặc thù cho cây càphê ở Tây Nguyên, có cơ chế cho loại hình bảo hiểm nông nghiệp đối với cây càphê. Đầu tư thỏa đáng cho việc tu bổ, sửa chữa, nâng cấp, nạo vét các công trình thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng cơ sở vật chất như: giao thông, thuỷ lợi, sân phơi, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chính sách đầu tư hoạt động của các tổ chức khuyến nông, cung cấp thông tin về giá cả thị trường...
 
Chính phủ cần có chính sách miễn hoặc giảm thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp nông nghiệp trong thời gian thực hiện cải tạo đất, thời gian kiến thiết cơ bản của diện tích tái canh, hỗ trợ lãi suất vốn vay đối với những nguồn tài chính mà các doanh nghiệp phải đầu tư nhằm đổi mới trang thiết bị công nghệ, hỗ trợ về mặt ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cho nông dân thông qua các nhà khoa học.
Về phía các bộ, ngành liên quan, cần hỗ trợ xây dựng các chính sách liên quan đến sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ càphê, hình thành chuỗi sản xuất, chế biến cà phê chất lượng xuất khẩu, tìm kiếm và thông tin đến các cơ quan chức năng của tỉnh về thị trường xuất khẩu càphê, có chính sách hỗ trợ hợp lý đối với các thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng.
Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk đề nghị Bộ Công Thương trích nguồn kinh phí xúc tiến thương mại quốc gia hàng năm, hỗ trợ tỉnh đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm càphê. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại có đủ vốn để cung ứng cho các doanh nghiệp thu mua càphê kịp thời ngay từ đầu vụ theo nhu cầu của người dân. Hạ lãi suất cho vay phục vụ tái canh càphê, tạo điều kiện cho người sản xuất và các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, thực hiện tái canh càphê đạt kết quả. Mức lãi suất đề nghị 6%/năm và hỗ trợ vốn vay để tạm trữ càphê ngay từ đầu vụ cho nông dân, doanh nghiệp sản xuất càphê và doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu càphê thời gian từ 3 - 6 tháng. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng chính sách, hướng dẫn các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng càphê kém hiệu quả sang cây trồng khác hoặc chăn nuôi…; hỗ trợ kinh phí chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng càphê kém hiệu quả thông qua hình thức tín dụng ưu đãi, hỗ trợ cây giống, con giống...
 
Theo Minh Tuấn – Anh Thi
Nguồn: kinhtenongthon.com
Copyright 2016 by TANTHANHCO® . All rights reserved. Designed by nicedesign
Visited: 22773197 | Online: 14